Quyển I:

Tổng Tắc

Thiên 1:

Luật Giáo Hội

 

Ðiều 7: Luật được thiết lập vào lúc được ban hành.

Ðiều 8: (1) Các luật phổ quát của Giáo Hội được ban hành bằng việc ấn hành trong Công Báo "Acta Apostolicae Sedis", trừ trường hợp riêng biệt mà cách thức ban hành được quy định một cách khác. Luật chỉ có hiệu lực ba tháng sau, tính theo ngày đã được ghi nơi số báo "Acta"; trừ khi nào chúng bó buộc ngay tức thời do bản chất của sự việc, hoặc trong chính bản luật đã ấn định minh thị và đặc biệt một thời gian hưu lực dài hay ngắn hơn.

(2) Các luật địa phương được ban hành theo thể thức do nhà lập pháp ấn định, và bắt đầu bó buộc một tháng sau ngày ban hành, trừ khi một thời hạn khác đã được xác định ngày chính trong luật.

Ðiều 9: Luật nhắm tương lai, không nhằm quá khứ, trừ khi trong luật có dự liệu đích danh về sự việc quá khứ.

Ðiều 10: Các luật chỉ được coi là bãi hiệu hay bãi năng khi minh thị ấn định rằng một hành vi không có hiệu lực hay một chủ thể không có năng cách.

Ðiều 11: Các luật thuần túy Giáo Hội bó buộc các người đã được rửa tội trong Hội Thánh Công Giáo, hay đã được tiếp nhận vào Hội Thánh Công Giáo; biết xử dụng trí khôn vừa đủ; và đã được bảy tuổi trọn, nếu luật không dự liệu minh thị cách khác.

Ðiều 12: (1) Các luật phổ quát bó buộc mọi nơi đối với hết mọi người mà luật chi phối.

(2) Các luật phổ quát nào không có hiệu lực trong một lãnh thổ nhất định thì không bó buộc những người hiện đang ở trong nơi ấy.

(3) Các luật được ban bố cho một lãnh thổ riêng biệt thì bó buộc những người mà luật nhằm đến, nếu họ có cư sở hoặc bán cư sở và hiện đang cư trú tại đó, miễn là duy trì quy định ở điều 13.

Ðiều 13: (1) Các luật địa phương không được suy đoán là tòng nhân, nhưng tòng thổ, ngoại trừ khi đã rõ cách khác.

(2) Các người lữ khách không bị bó buộc giữ:

1. những luật địa phương của lãnh thổ của mình một khi họ đã ra ngoài nơi ấy, trừ khi sự vi phạm những luật ấy gây thiệt hại trong lãnh thổ mình, hoặc vì luật có tính cách tòng nhân.

2. những luật của lãnh thổ ở nơi họ đang ghé qua, ngoại trừ những luật nhằm bảo vệ trật tự công cộng, xác định các thể thức của các hành vi, hay liên can đến các bất động sản nằm trong lãnh thổ.

(3) Các người vô gia cư buộc phải giữ những luật phổ quát và luật địa phương hiện hành nơi mà họ ghé qua.

Ðiều 14: Các luật, kể cả luật bãi hiệu hay bãi năng, không bó buộc khi có hoài nghi về pháp luật; trong trường hợp hoài nghi về sự kiện thì các Bản Quyền có thể miễn chuẩn, miễn là, nếu gặp một sự miễn chuẩn đã được dành riêng, thì quyền hành dành riêng vẫn thường chuẩn.

Ðiều 15: (1) Sự không biết hay lầm lẫn về những luật bãi hiệu hay bãi năng không làm ngăn trở hiệu lực của chúng, trừ khi có ấn định minh thị cách khác.

(2) Sự không biết hay lầm lẫn về luật pháp hoặc về hình phạt hoặc về sự kiện tư riêng hoặc về sự kiện của người khác đã tỏ tường thì không được suy đoán; còn đối với sự kiện của người khác không tỏ tường thì được suy đoán cho đến khi có bằng chứng ngược lại.

Ðiều 16: (1) Luật được giải thích cách chính thức do nhà lập pháp hoặc do người nào được nhà lập pháp ủy thác quyền giải thích chính thức.

(2) Sự giải thích chính thức theo thể thức của một luật thì có uy lực như chính luật, và cần được ban hành; nếu nó chỉ tuyên bố lời lẽ của bản luật tự nó đã chắc chắn thì có hiệu lực hồi tố; còn nếu nó thu hẹp hay mở rộng hoặc quyết đoán một điểm hoài nghi, thì không có hiệu lực hồi tố.

(3) Còn sự giải thích theo thể thức của một bản án hoặc một hành vi hành chánh trong một trường hợp riêng biệt thì không có uy lực của luật, nhưng chỉ ràng buộc người nào hay chi phối sự việc nào mà nó nhắm tới.

Ðiều 17: Các luật của Giáo Hội cần phải được hiểu theo ý nghĩa riêng của các từ, xét trong văn bản và văn mạch; nếu có chỗ hoài nghi hay tối tăm, thì phải nại đến các chỗ tương tự nếu có, đến mục đích và các hoàn cảnh của luật, và đến ý định của nhà lập pháp.

Ðiều 18: Các luật quy định hình phạt, hoặc hạn chế sự tự do thi hành quyền lợi, hoặc bao hàm một khoản trừ của luật, thì phải được giải thích một cách chặt chẽ.

Ðiều 19: Nếu trong một vấn đề cụ thể không có quy định minh thị của luật phổ quát hay địa phương, cũng không có tục lệ, thì, đừng kể khi là vụ án hình phạt, vấn đề có thể được giải quyết dựa theo các luật đã ra trong trường hợp tương tự, dựa theo các nguyên tắc chung của luật pháp được áp dụng hợp với lẽ phải của Giáo Luật, dựa theo án lệ và thông lệ của giáo triều Roma, dựa theo ý kiến chung và ổn định của các học giả.

Ðiều 20: Một luật ra đời sau sẽ bãi bỏ hay sửa đổi một luật ra đời trước nếu đã minh thị ấn định như vậy; hoặc vì nó tương phản trực tiếp với luật trước, hoặc đã xếp đặt lại hoàn toàn nội dung chất thể của luật trước. Tuy nhiên một luật phổ quát không sửa đổi một luật địa phương hay đặc biệt, trừ khi đã minh thị dự liệu cách khác.

Ðiều 21: Trong trường hợp hoài nghi, sự thu hồi luật trước không được suy đoán; trái lại, các luật sau cần được chắp nối với các luật trước, và dung hòa với luật trước bao nhiêu có thể được.

Ðiều 22: Khi luật Giáo Hội quy chiếu về luật dân sự, thì luật dân sự phải được tuân hành với những hiệu quả của nó trong Giáo Luật, miễn là không trái với thiên luật và nếu Giáo Luật không quy định cách khác.

 

(Nhóm Dịch Thuật Việt ngữ Bộ Giáo Luật)