Quyển VII: Tố Tụng

Phần I: Sự Phán Xử Nói Chung

Thiên 5:

Tố Quyền Và Khước Biện

 

Chương I: Tố Quyền Và Khước Biện Nói Chung

Ðiều 1491: Mọi quyền lợi đều được bảo vệ không những bởi tố quyền mà còn bởi khước biện nữa, trừ khi minh thị dự liệu khác.

Ðiều 1492: (1) Mọi tố quyền đều bị tiêu diệt bởi thời hiệu theo quy tắc của luật pháp hay bởi cách thức hợp lệ khác, trừ những tố quyền về thân trạng thì không bao giờ bị tiêu diệt.

(2) Ðừng kể quy định ở điều 1462, khước biện luôn luôn có thể được viện dẫn, bởi vì nó có tính cách vĩnh viễn.

Ðiều 1493: Nguyên đơn có thể đồng thời khởi tố một người bằng nhiều tố quyền khác nhau về chính một vấn đề hay về nhiều vấn đề, miễn là các tố quyền không được tương phản nhau và không vượt quá thẩm quyền của tòa án mà nguyên đơn nại đến.

Ðiều 1494: (1) Bị đơn có thể lập tố quyền phản tố, trước cùng một thẩm phán và trong cùng một vụ kiện, để chống lại nguyên đơn vì vấn đề liên quan đến tố quyền chính của vụ kiện, hoặc để nguyên đơn rút lại hay giảm thiểu yêu sách.

(2) Sự phản tố chống lại một phản tố sẽ không được chấp nhận.

Ðiều 1495: Tố quyền phản tố phải được đệ trình lên thẩm phán tại nơi đã nạp tố quyền đầu tiên, cho dù thẩm phán ấy chỉ được ủy nhiệm để xử một vụ án mà thôi, hay là vô thẩm quyền tương đối vì lý do nào khác.

 

Chương II: Các Tố Quyền Và Khước Biện Nói Riêng

Ðiều 1496: (1) Người nào chứng minh được, bằng những luận cứ hữu lý, rằng mình có quyền trên một sự vật nào đó mà kẻ khác đang cầm giữ, và nếu sự vật ấy không được trả lại cho mình giữ gìn thì họ sẽ bị thiệt hại nặng, người đó có quyền được thẩm phán cho cung thác sự vật ấy.

(2) Trong những hoàn cảnh tương tợ, người ấy có thể xin ngăn cản một người khác hành sử quyền lợi.

Ðiều 1497: (1) Sự cung thác một sự vật cũng được chấp nhận để bảo hiểm một trái khoản, miễn là quyền trái chủ được chứng minh đầy đủ.

(2) Sự cung thác cũng có thể nới rộng đến các tài sản của trái hộ đang ở trong tay những người đệ tam với bất cứ danh nghĩa nào, cũng như đến các trái khoản của trái hộ.

Ðiều 1498: Không bao giờ được quyết định cung thác một sự vật và ngăn cản hành sử một quyền lợi, nếu sự thiệt hại đang lo ngại có thể bồi thường được bằng cách khác, và nếu có một bảo chứng đủ sễ có thể bồi thường được.

Ðiều 1499: Thẩm phán có thể bắt buộc người được phép cung thác một sự vật hay ngăn cản thi hành một quyền lợi, phải nạp một bảo chứng trước để bồi thường những thiệt hại trong trường hợp người ấy không chứng minh được quyền lợi của mình.

Ðiều 1500: Về bản tính và giá trị của tố quyền chấp hữu, phải tuân giữ những quy định của dân luật địa phương ở nơi tọa lạc sự vật mà sự chấp hữu đang tương tranh.

 

(Nhóm Dịch Thuật Việt ngữ Bộ Giáo Luật)