Quyển VII: Tố Tụng

Phần II: Tố Tụng Hộ Sự

Tiết I: Tố Tụng Hộ Sự Thông Thường

Thiên 2:

Sự Ðối Tụng

 

Ðiều 1513: (1) Sự đối tụng xảy ra khi nào các giới hạn của sự tranh tụng, rút từ những lời thỉnh cầu và phúc đáp của các đương sự, được xác định do án lệnh của thẩm phán.

(2) Những lời thỉnh cầu và phúc đáp của đương sự có thể được trình bày không những chỉ trong đơn khởi tố, mà còn qua thư trả lời lệnh triệu hoán hay qua những lời tuyên bố miệng trước thẩm phán. Nhưng trong những vụ án khó hơn, thẩm phán phải triệu tập các đương sự để thỏa thuận một vấn nạn hay nhiều vấn nạn mà các đương sự sẽ phải trả lời trong khi phán quyết.

(3) Án lệnh của thẩm phán phải được cáo tri cho các đương sự; nếu họ không đồng ý, thì trong hạn mười ngày, các đương sự có thể kháng cáo lên chính thẩm phán để xin sửa đổi án lệnh; vấn đề này phải được chính thẩm phán ấy giải quyết hết sức nhanh chóng bằng một án lệnh.

Ðiều 1514: Một khi đã được xác định, các giới hạn của cuộc tranh tụng chỉ có thể được thay thế hữu hiệu bằng một án lệnh mới khi có lý do hệ trọng do một đương sự yêu cầu, và sau khi đã nghe ý kiến của các đương sự khác cũng như sau khi cân nhắc các lý lẽ của họ.

Ðiều 1515: Sau khi đã có sự đối tụng, người chấp hữu sự vật của kẻ khác không còn là ngay tình nữa; vì thế, nếu bị kết án phải hoàn lại sự vật, thì cũng phải trả lại các hoa lợi thu được từ ngày đối tụng và phải bồi thường các thiệt hại.

Ðiều 1516: Sau khi đã có sự đối tụng, thẩm phán phải ấn định cho các đương sự một khoảng thời gian thích hợp để xuất trình và bổ túc các bằng chứng.

 

(Nhóm Dịch Thuật Việt ngữ Bộ Giáo Luật)