Quyển VII: Tố Tụng

Phần II: Tố Tụng Hộ Sự

Tiết I: Tố Tụng Hộ Sự Thông Thường

Thiên 7:

Sự Tuyên Án

 

Ðiều 1607: Một vụ kiện đã được cứu xét bằng hình thức tư pháp, nếu là vụ án chính, phải được thẩm phán xử bằng án chung quyết; nếu là vụ án phụ đới thì bằng án trung phán, miễn là giữ quy định của điều 1589, triệt 1.

Ðiều 1608: (1) Ðể tuyên bố bất cứ một án nào, thẩm phán phải có sự xác tín luân lý về vấn đề phán xử.

(2) Thẩm phán phải rút được sự xác tín này từ các án từ và các bằng chứng.

(3) Tuy nhiên, thẩm phán phải thẩm định các bằng chứng theo lương tâm của mình, đừng kể trường hợp mà luật pháp đã quy định giá trị của một vài thứ bằng chứng.

(4) Nếu thẩm phán không nắm được sự xác tín, thì phải tuyên bố rõ rằng quyền lợi của nguyên đơn không rõ rệt và phải giải trừ bị đơn, trừ khi là một vụ kiện được hưởng đặc ân của luật pháp, vì trong những trường hợp này thẩm phán phải tuyên bố thuận lợi cho vụ kiện.

Ðiều 1609: (1) Trong tòa án tập đoàn, chánh án phải chỉ định ngày và giờ để các thẩm phán hội lại thảo luận và, trừ khi có lý do đặc biệt, cuộc hội thảo phải được diễn ra tại trụ sở tòa án.

(2) Ðến ngày đã được ấn định, mỗi thẩm phán phải mang đến kết-luận-trạng của mình về nội dụng vụ kiện, cùng với những lý lẽ về pháp lý hay về sự kiện đưa đến kết luận; các kết-luận-trạng sẽ được kèm vào các án từ vụ kiện và phải được giữ bí mật.

(3) Sau khi kêu cầu danh Thiên Chúa, mỗi thẩm phán sẽ lần lượt trình bày kết luận của mình, dựa theo thứ tự ưu tiên tuy luôn luôn phải bắt đầu từ người có nhiệm vụ tường trình hay phúc trình viên của vụ kiện; tiếp đó, cuộc bàn thảo bắt đầu dưới sự hướng dẫn của chánh án, nhất là để thỏa thuận với nhau về những điều phải ấn định trong phần chủ văn của bản án.

(4) Trong cuộc thảo luận, mỗi người được phép rút lại kết luận trước đây của mình. Tuy nhiên, thẩm phán nào không muốn theo quyết định của những người khác có thể yêu cầu, nếu có kháng cáo, phải chuyển lên tòa án thượng cấp kết luận của mình.

(5) Nếu trong buổi thảo luận đầu tiên, các thẩm phán không muốn hay không thể đi đến phán xử, thì có thể dời sự quyết định đến một buổi họp khác, nhưng không quá một tuần, trừ khi phải bổ túc thẩm cứu vụ án chiếu theo quy tắc của điều 1600.

Ðiều 1610: (1) Nếu là thẩm phán duy nhất, chính thẩm phán phải thảo án văn.

(2) Trong tòa án tập đoàn, thẩm phán phúc trình viên phải thảo bản án, dựa trên các lý lẽ mà mỗi thẩm phán đã dẫn nại trong buổi thảo luận, trừ khi đa số thẩm phán đã quyết định phải lấy những lý lẽ nào rồi; kế đó, án văn phải được trao cho từng thẩm phán đê� được chấp thuận.

(3) Án văn phải được ban hành trong vòng một tháng từ ngày tuyên án, trừ khi, trong tòa án tập đoàn, vì lý do hệ trọng, các thẩm phán đã ấn định một thời hạn dài hơn.

Ðiều 1611: Án văn phải:

1. phán xử cuộc tranh biện đã diễn ra trước tòa, đưa ra phúc đáp thỏa đáng cho từng nghi vấn;

2. ấn định các nghĩa vụ của các đương sự xuất phát từ sự phán xử và cách thức thi hành các nghĩa vụ đó;

3. trình bày những lý lẽ, tức là những lý do về pháp lý và về sự kiện mà chủ văn bản án dựa vào;

4. ấn định án phí.

Ðiều 1612: (1) Sau khi kêu cầu danh Thiên Chúa, án văn phải ghi rõ lần lượt: danh tánh thẩm phán hoặc tòa án; tên họ và cư sở của nguyên đơn, bị đơn, người thụ ủy; chưởng lý và bảo hệ, nếu họ đã can dự vào vụ án.

(2) Sau đó phải trình bày sơ lược sự kiện chính với các kết luận của các đương sự và công thức của các nghi vấn.

(3) Tiếp đến là phần chủ văn bản án, sau khi đưa ra những lý lẽ mà chủ văn bản án dựa vào.

(4) Sau cùng, phải ghi rõ ngày, tháng, năm và nơi ban hành án văn, và phải có chữ ký của thẩm phán hay, nếu là tòa án tập đoàn, của tất cả các thẩm phán và của lục sự.

Ðiều 1613: Những quy luật đã nói trên đây về án chung quyết cũng phải được áp dụng cho án trung phán.

Ðiều 1614: Án văn phải được công bố càng sớm càng hay, và phải chỉ rõ những phương cách mà án văn có thể bị kháng nghị. Cho đến lúc được công bố, án văn không có hiệu lực gì hết, cho dù phần chủ văn đã được thẩm phán cho phép cáo tri cho các đương sự.

Ðiều 1615: Sự công bố hay cáo tri án văn có thể được thực hiện bằng cách hoặc trao một bản sao tận tay các đương sự, hay cho các người thụ ủy của họ, hoặc gởi cho họ bản sao ấy theo cách thức nói ở điều 1509.

Ðiều 1616: (1) Nếu trong bản văn của án văn có sai lầm về số mục hay sai lầm về vật chất khi sao chép phần chủ văn, hay phần trình bày các sự kiện hay lời yêu cầu của các đương sự, hay quên sót những gì mà điều 1612, triệt 4 đòi buộc, thì án văn phải được sửa chữa hay bổ túc do chính tòa án đã tuyên án, do lời yêu cầu của một đương sự hay chiếu theo chức vụ, nhưng luôn luôn phải hỏi ý các đương sự trước, và bằng một án lệnh thêm vào cuối án văn.

(2) Nếu có một đương sự phản kháng, vấn đề phụ đới phải được phán xử bằng án lệnh.

Ðiều 1617: Ngoài án văn ra, tất cả những lời tuyên bố khác của thẩm phán đều là án lệnh, và, trừ khi chỉ có tính cách thuần túy thủ tục, chúng sẽ không có hiệu lực nào nếu không trình bày ít là cách sơ lược các lý do, hay quy chiếu những lý do đã được diễn tả trong một án từ khác.

Ðiều 1618: Án trung phán hay án lệnh sẽ có giá trị như án chung quyết, nếu đối với ít là một đương sự, nó ngăn cản sự phán xử hay kết thúc chính sự phán xử hay một cấp bực phán xử.

 

(Nhóm Dịch Thuật Việt ngữ Bộ Giáo Luật)